Dấu hiệu viêm quanh khớp vai
Đau khớp vai đơn thuần (viêm gân mạn tính)
- Đau vùng khớp vai thường xuất hiện sau vận động khớp vai quá mức, hoặc sau những vi chấn thương liên tiếp ở khớp vai. Đau kiểu cơ học. Đau tăng khi làm các động tác co cánh tay đối kháng.
- Ít hạn chế vận động khớp.
- Thường có điểm đau chói khi ấn tại điểm bám tận gân bó dài của gân cơ nhị đầu cánh tay (mặt trước của khớp vai, dưới mỏm quạ 1cm) hoặc gân trên gai (mỏm cùng vai).
Đau vai cấp (viêm khớp vi tinh thể)
- Đau vai xuất hiện đột ngột với các tính chất dữ dội, đau gây mất ngủ, đau lan toàn bộ vai, lan lên cổ, lan xuống tay, đôi khi xuống tận bàn tay.
- Giảm vận động khớp vai nhiều thường có tư thế cánh tay sát vào thân, không thực hiện được các động tác vận động thụ động khớp vai, đặc biệt là động tác giạng (giả cứng khớp vai do đau).
- Vai sưng to nóng. Có thể thấy khối sưng bùng nhùng ở trước cánh tay tương ứng với túi thanh mạc bị viêm. Có thể có sốt nhẹ.
Giả liệt khớp vai (đứt mũ gân cơ quay)
- Đau dữ dội kèm theo tiếng kêu răng rắc, có thể xuất hiện đám bầm tím ở phần trước trên cánh tay sau đó vài ngày.
- Đau kết hợp với hạn chế vận động rõ.
- Mất động tác nâng vai chủ động, trong khi vận động thụ động hoàn toàn bình thường, không có các dấu hiệu thần kinh. Nếu đứt bó dài gân nhị đầu khám thấy phần đứt cơ ở trước dưới cánh tay khi gấp có đối kháng cẳng tay
Cứng khớp vai (đông cứng khớp vai)
- Đau khớp vai kiểu cơ học, đôi khi đau về đêm.
- Hạn chế vận động khớp vai cả động tác chủ động và thụ động. Hạn chế các động tác, đặc biệt là động tác giạng và quay ngoài.
Nguyên nhân viêm quanh khớp vai
Theo Y học hiện đại:
- Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
- Nghề nghiệp lao động nặng có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.
- Tập thể thao quá sức, chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
- Chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy.
- Một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, tiểu đường, K vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ)
THEO Y học cổ truyền:
Do phong, hàn, thấp kết hợp với nhau, làm bế tắc kinh lạc gây ra. Giai đoạn đầu phong hàn thắng, bệnh nhân đau là chủ yếu (kiên thống); giai đoạn sau hàn thấp thắng, hạn chế vận động là chủ yếu (kiên ngưng). Lâu ngày các tà khí này làm tắc đường lưu thông khí huyết, khí huyết không đủ nuôi dưỡng cân cơ, gây ra thể lậu kiên phong.
Xử lý viêm quanh khớp vai
Vật lý trị liệu
- Các phương thức vật lý
- Nhiệt nóng tại chỗ: parafin , hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm để giảm đau, giãn cơ, chống viêm và giảm xơ dính.
- Châm cứu: châm tả Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn.
- Xoa bóp bấm huyệt chữa đau nhức mỏi mệt: dùng các thủ thuật xát, lăn, day, bóp, bấm, vờn, vận động, rung khớp vai.
- Thủy châm: vitamin B1, B6, B12, thuốc giảm đau non – steroid vào một số huyệt Kiên ngung, Thiên tông, Tý nhu
- Vận động trị liệu.
- Kéo giãn và di động khớp nhằm làm tăng tầm vận động khớp.
- Tập chủ động với các dụng cụ: các bài tập với gậy, dây, thang tƣờng, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai.
- Bài tập Codman đong đưa khớp vai: bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
- Hoạt động trị liệu
- Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có sử dụng tay như mặc áo quần, tắm rửa, chải tóc,..
Xử lý bằng thuốc YHCT
Kiên thống
- Pháp : Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết.
- Bài thuốc: Quyên tý thang gia giảm
Kiên ngưng
- Pháp : Hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc.
- Bài thuốc: Quyên tý thang gia vị
Hậu kiên phong
- Pháp : Bổ khí huyết, hoạt huyết tiêu ứ.
- Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị